Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày: bình thường hay bất thường?

tre so sinh bi non tro nhieu lan trong ngay 0
tre so sinh bi non tro nhieu lan trong ngay 0

Nôn trớ là hiện tượng mà đa số trẻ sơ sinh đều gặp phải. Vốn dĩ đây là một trong những biểu hiện sinh lý bình thường trong quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, nhưng nếu trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày kèm theo những biểu hiện bất thường thì phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm.

Nôn trớ là gì?

Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên cổ họng hoặc khoang miệng và đôi khi bị tống ra ngoài. Một em bé khỏe mạnh từ 3 tuần tuổi đến dưới 12 tháng tuổi thường có biểu hiện nôn trớ khoảng trên hai lần mỗi ngày, kéo dài trong khoảng từ 3 tuần trở lên.

Nguyên nhân sinh lý của hiện tượng này là do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển, dạ dày non nớt và chưa có độ cong như dạ dày của người lớn. Các cơ còn yếu và hoạt động co thắt của hệ tiêu hóa chưa ổn định, sẽ rất dễ đến hiện tượng nôn trớ trong trường hợp cho bé ăn quá no, nằm sai tư thế, nuốt phải hơi khi bú

Nôn trớ ở trẻ sơ sinh là biểu hiện sinh lý bình thường nếu như không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (như sốt trên 38 độ C, chậm lớn, chán ăn, biếng ăn, chướng bụng, khó thở…), và trẻ vẫn khỏe mạnh, vui vẻ, ăn uống tốt và phát triển đều đặn. Cha mẹ không cần lo ngại gì trong trường hợp này nhé!

Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày: bình thường hay bất thường?

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày kèm theo một hoặc một vài biểu hiện bất thường, thì cha mẹ của trẻ nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con, bởi rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày và cách khắc phục.

Các bệnh lý thường gặp khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày

Bệnh lý về đường ruột

Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày có thể do các nguyên nhân như viêm dạ dày, lồng ruột, viêm ruột, hẹp phì đại môn,… Biểu hiện nôn trớ thường kèm theo một vài triệu chứng như sốt, dịch nôn bất thường, bé liên tục la khóc. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, theo dõi và có phương pháp điều trị hợp lý.

Bệnh lý về hệ thần kinh

Phản xạ nôn được điều khiển bởi não bộ. Do đó, bất kỳ một tổn thương nào ở não bộ đều có thể gây ra rối loạn chức năng của hệ thần kinh, không ngoại trừ có phản xạ nôn. Nếu cha mẹ thấy trẻ bị nôn trớ nhiều lần trong ngày kèm theo hiện tượng mắt trũng, da khô,… thì phải lập tức đưa bé đi khám. Không tự ý cho bé dùng thuốc chống nôn. Thuốc này có thể làm mất triệu chứng tạm thời chứ không có bất kỳ tác dụng điều trị nào khác, sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược axit trong dạ dày ở trẻ sơ sinh là một vấn đề rất phổ biến. Trong quá trình phát triển tự nhiên, dịch dạ dày đôi khi chảy ngược lên thực quản, qua cơ vòng và trào ra khỏi miệng của bé. Vấn đề này chỉ mang tính nhất thời trong giai đoạn sơ sinh, tuy nhiên cha mẹ vẫn phải lưu ý cho bé ăn uống đúng cách. Tránh ép bé ăn hoặc bú quá nhiều, quá no, nên chia thành nhiều bữa nhỏ; bên cạnh đó cần đặt bé ở tư thế ăn, bú hợp lý. 

Viêm đường hô hấp 

Viêm đường hô hấp là một trong các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày. Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm đường hô hấp, nhất là khi thay đổi thời tiết do hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng của trẻ còn yếu. Hiện tượng chảy nước mũi, ho khan, ho có đờm,… để lâu ngày sẽ dẫn đến viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản viêm mũi,…

Nếu cha mẹ nghe thấy con thở khò khè, khi ăn khó nuốt và dễ bị sặc, thì nguyên nhân có thể là do đờm trong cổ họng khiến bé khó chịu. Nhưng trẻ nhỏ chưa biết làm cách nào để đẩy đờm ra ngoài, nên thường sẽ ho sặc. Khi bé ho, không khí rất dễ theo vào, làm mở cơ dưới của thực quản, dẫn tới việc thức ăn bị đẩy lên và trào ra ngoài, hình thành những đợt nôn trớ.

Trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh các bệnh về đường hô hấp cho con bằng cách vệ sinh mũi sạch sẽ bằng nước muối sinh lý, giữ đủ ấm khi trời đổi gió,…

Đầy hơi, chậm tiêu

Một nguyên nhân khác gây ra nôn trớ ở trẻ sơ sinh thường gặp là do bé chậm tiêu hóa. Một số biểu hiện của tình trạng này rất dễ thấy như nôn khan, chướng bụng, ít đi ngoài, xì hơi nhiều,… Khi trẻ gặp vấn đề chậm tiêu, trẻ dễ bị đầy hơi, tức là dạ dày của bé chứa nhiều bóng không khí. Vì thế khi bé bú mẹ thường sẽ xuất hiện tình trạng ọc sữa, nôn trớ đột ngột, hoặc sau khi ngủ dậy nôn ra cặn sữa có mùi chua (hiện tượng sữa chưa được tiêu hóa hết).

Đối với trường hợp này, cha mẹ cần lưu ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, tránh cho bé ăn những loại thực phẩm khiến bé khó tiêu. Với trẻ nhỏ đang trong thời kỳ ăn dặm cũng nên chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và khoáng chất, chia thành nhiều bữa nhỏ để hệ tiêu hóa của trẻ thích nghi dần. Bên cạnh đó, cha mẹ thỉnh thoảng nên mát-xa toàn thân cho bé để giúp con tăng cường tuần hoàn máu và giúp phòng tránh đầy hơi, chướng bụng, táo bón. 

Ngộ độc thức ăn

Nếu các phụ huynh thấy trẻ nhỏ bị nôn trớ liên tục, dồn dập, liên tiếp trong ngày, xin đừng đừng loại trừ khả năng trẻ bị ngộ độc do thức ăn, nước uống hoặc thuốc men mà trẻ đang sử dụng có vấn đề. Buồn nôn và nôn là một biểu hiện đặc trưng của ngộ độc, kèm theo đó là những hiện bất ổn khác như tiêu chảy, sốt, co giật,… Ngay lập tức, cha mẹ phải đưa con đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí ban đầu và được điều trị, chăm sóc kịp thời.

Bài viết đã tổng hợp và đưa ra một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày. Mong rằng với những chia sẻ này, các phụ huynh sẽ có thêm cho mình kinh nghiệm chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho bé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây