Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng thực hiện công cuộc đổi mới đất nước trên mọi mặt. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tổ chức năm 2016, đánh dấu cột mốc 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội cũng đã trình bày các thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra qua gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam.
Những thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra qua gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam
Thành tựu
Chính sách đổi mới của Đảng đã bước đầu giúp nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội, công nghiệp ngày càng tiến bộ, tổng bình quân thu nhập cũng tăng lên. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, thúc đẩy hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước.
Tình hình chính trị trong nước dần ổn định, đời sống xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng ngày càng được quan tâm và đầu tư để phát triển; tiếp tục kế thừa, gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bên cạnh đó còn hội nhập, tiếp cận những nền văn hóa mới của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Quan hệ đối ngoại được chú trọng, các hiệp ước thương mại song phương và đa phương được ký kết. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia vào các tổ chức của khu vực và quốc tế, vị thế của Việt Nam ngày càng vững chắc.
Chính sách quản lý Nhà nước sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển chung, cơ quan lập pháp được chú trọng, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ.
Hạn chế
Kinh tế có bước tiến lớn nhưng chưa thực sự vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối chậm, chưa phát huy một cách hiệu quả các ưu thế và tiềm lực đã huy động được. Các vấn đề về tệ nạn xã hội nổi cộm gây nhức nhối dư luận và mất ổn định xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị quản lý bộ máy nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn thiện, thường xuyên phải sửa đổi và bổ sung. Ngoài ra, hệ thống chỉ tiêu đề ra chưa được hoàn thành.
Tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất khắc phục các tồn tại, hạn chế
Những hạn chế và tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan: Công cuộc đổi mới thiếu đồng bộ, chưa thực sự toàn diện trên mọi lĩnh vực; một số nhận thức, định hướng giải quyết không còn phù hợp với tình hình phát triển chung của cả nước; đường lối chỉ đạo còn gặp một số khúc mắc, chưa thực sự quyết đoán,…
Từ đó, có thể rút ra một số bài học tiêu biểu:
- Luôn luôn chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc phải kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại,…
- Nắm bắt các cơ hội và thời cơ để hội nhập quốc tế, đẩy nhanh sự phát triển.
- Đổi mới một cách toàn diện, bám sát với tình hình thực tế của đất nước, từ đó đưa ra sự điều chỉnh linh hoạt, mang lại hiệu quả cao.
Quá trình đổi mới và phát triển đất nước luôn cần sự chung tay của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân. Chúng tôi đã trình bày các thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra qua gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam qua bài viết trên đây. Hy vọng trong những năm tới, Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, sớm trở thành một nước phát triển, quá độ lên chủ nghĩa xã hội.